IMF: Tác động kinh tế của COVID-19 đến Việt Nam sẽ nhẹ hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực
Mặc dù Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề do nhu cầu suy yếu và hoạt động thương mại giảm, chiến lược ngăn chặn đại dịch hiệu quả cũng sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.
Ngay từ đầu, các chuyên gia đã dự báo, Covid-19 sẽ là một trận chiến cam go. Việt Nam được coi là rất dễ bị ảnh hưởng, với biên giới dài và hoạt động giao thương gắn liền với Trung Quốc. Việt Nam cũng có khu vực đô thị đông dân cư, và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế.
Song, chiến lược ngăn chặn Covid-19 hiệu quả của Việt Nam đã giúp duy trì không có trường hợp tử vong nào trong toàn dân, gần 100 triệu người. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên dỡ bỏ hầu như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội trong nước.
IMF đánh giá, thành công của Việt Nam một phần nhờ có kinh nghiệm với một số đại dịch trước đó, như SARS năm 2003. Ngay từ đầu, Thủ tướng đã đặt vấn đề sức khỏe lên trên thiệt hại kinh tế. Việt Nam đã triển khai chiến lược phản ứng nhanh chóng với sự giúp đỡ của quân đội, lực lượng an ninh công cộng và các tổ chức cơ sở. Truyền thông hiệu quả và minh bạch đã giúp Chính phủ chiếm được lòng tin của dân chúng, trở thành bài học lớn cho các nước đang phát triển.
Đến nay, Việt Nam đã hạn chế thành công sự lây lan của COVID-19, nhưng sẽ không tránh khỏi tác động kinh tế của nó. Nhu cầu trong nước và cả bên ngoài đang yếu hơn. Điều này dự kiến sẽ làm chậm tăng trưởng đáng kể, từ 7% trong những năm gần đây xuống còn 2,7% vào năm 2020, IMF dự báo.
Tuy nhiên, chuyên gia dự kiến tác động kinh tế sẽ nhẹ hơn hầu hết các nước trong khu vực. Triển vọng phục hồi có vẻ tươi sáng, khi Việt Nam dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, người tiêu dùng đang đổ xô đến các nhà hàng và cửa hàng.
Có những dấu hiệu về sự phục hồi trong nước, với doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trở lại. Nhưng để Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ, kinh tế của cả các đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam cũng phải phục hồi.
Theo Nhịp sống kinh tế